Ngày 19/8, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố danh sách 28 đơn vị tái chế sản phẩm, bao bì trong đợt 2.

Danh sách 28 đơn vị được công bố tại Thông báo số 460/TB-BTNMT, nhằm thực hiện Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và hỗ trợ các nhà sản xuất, nhập khẩu trong việc thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì.


Nhà máy tái chế DUYTAN Recycling

Danh sách công bố lần này bao gồm các đơn vị tái chế sản phẩm, bao bì có giấy phép môi trường hoặc giấy phép môi trường thành phần theo quy định. Đáng chú ý, danh sách lần này không có sự xuất hiện của tổ chức được ủy quyền tổ chức thực hiện tái chế như trong đợt công bố đầu tiên.

Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cập nhật và bổ sung thông tin của 3 đơn vị tái chế đã được công bố trong đợt 1, nhằm đảm bảo tính chính xác và đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường.

Bộ Tài nguyên và Môi trường lưu ý các nhà sản xuất, nhập khẩu khi lựa chọn đơn vị tái chế cần xem xét kỹ lưỡng năng lực, công nghệ, công suất của các đơn vị tái chế để đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về tỷ lệ và quy cách tái chế bắt buộc. Đồng thời, việc lựa chọn đối tác tái chế cần phải đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

Các đơn vị tái chế khác nếu đáp ứng các quy định và có nhu cầu được công bố thông tin cần gửi hồ sơ về Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường để được xem xét. Trường hợp thông tin đã công bố không còn chính xác, các đơn vị này cần báo cáo ngay bằng văn bản để Bộ Tài nguyên và Môi trường cập nhật kịp thời.

Danh sách các đơn vị tái chế sản phẩm, bao bì đợt 2 này tập trung vào các lĩnh vực như tái chế bao bì, ắc quy, pin, dầu nhớt, săm, lốp và sản phẩm điện, điện tử. Bộ Tài nguyên và Môi trường khuyến khích các đơn vị liên quan cập nhật và tuân thủ đúng các quy định để đảm bảo quy trình tái chế hiệu quả và bền vững.

Việc công bố các đơn vị tái chế là một phần trong nỗ lực của Bộ Tài nguyên và Môi trường nhằm nâng cao trách nhiệm và hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện đúng quy định pháp luật, góp phần xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.

Theo CT.QLMT